Hợp tác nâng cao chất lượng
Tại cuộc họp bàn về việc triển khai các vấn đề của thị trường bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã nhất trí tổng hợp số liệu hàng tháng của kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (giai đoạn đầu là số liệu về số lượng yêu cầu bảo hiểm và số lượng hợp đồng được phát hành) về Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, để trên cơ sở đó có sự đánh giá và xây dựng kế hoạch hoạt động hiệu quả hơn. Số liệu sẽ được các thành viên chia sẻ về Hiệp hội định kỳ vào tuần đầu hàng tháng.
Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng thống nhất về việc tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm đàm phán, làm việc với ngân hàng đối tác để các hội viên khác tham khảo, áp dụng nhằm nâng cao chất lượng của kênh phân phối này, chẳng hạn như kinh nghiệm đàm phán về phương thức hợp tác, tỷ lệ chi trả hoa hồng…
Cũng liên quan đến việc bán bảo hiểm qua ngân hàng, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 34/2024/TT-NHNN, quy định về việc cấp đổi giấy phép, cấp bổ sung nội dung hoạt động vào giấy phép và tổ chức hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Điều 14 của thông tư này có quy định: “Khi giấy phép mà Ngân hàng Nhà nước cấp cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nội dung hoạt động đại lý bảo hiểm, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đối với các loại hình bảo hiểm theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Khi thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định của pháp luật có liên quan”.
Như vậy, mọi băn khoăn trước đó của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ với việc hạn chế bán sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư đã được gỡ bỏ. Với Thông tư số 34/2024/TT-NHNN, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ sẽ chủ động trao đổi với các ngân hàng đối tác để thống nhất về cách hiểu và áp dụng các quy định đối với hoạt động đại lý bảo hiểm.
Cùng với những giải pháp nhằm đưa việc kinh doanh bảo hiểm qua kênh ngân hàng ngày càng chuyên nghiệp và minh bạch như đã đề cập ở trên, việc bán bảo hiểm qua ngân hàng hiện đã áp dụng 100% cuộc gọi chào mừng khách hàng (cuộc gọi để kiểm tra lại khách hàng mua bảo hiểm được tư vấn đầy đủ về sản phẩm bảo hiểm); thực hiện mua hàng ẩn danh để kiểm tra trực tiếp chất lượng tư vấn của nhân viên ngân hàng bán bảo hiểm; yêu cầu ngân hàng có biện pháp xử lý nhân viên ngân hàng bán bảo hiểm vi phạm quy trình bán bảo hiểm, tư vấn sai cho khách hàng…
Ngoài ra, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 đã bổ sung điều kiện: Khi nhân viên bảo hiểm nhân thọ bán sản phẩm qua ngân hàng phải ghi âm, ghi hình quá trình tư vấn và lưu trữ 5 năm…
Tính đến thời điểm này, đã có rất nhiều giải pháp được áp dụng để kiểm soát việc bán bảo hiểm qua ngân hàng. Tuy nhiên, để cải thiện chất lượng bán bảo hiểm qua ngân hàng thực chất hơn nữa, các chuyên gia trong ngành cho rằng, vấn đề quan trọng và cần thiết nhất vẫn là thống nhất cách tính tỷ lệ duy trì hợp đồng (tỷ lệ thu phí tái tục năm thứ hai), cần thiết đưa tiêu chí này vào yêu cầu chi trả thưởng chỉ tiêu/doanh số. Đồng thời, các doanh nghiệp bảo hiểm nên công khai tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm hàng năm theo đối tác phân phối cho cả kênh truyền thống và kênh bancassurance. Điều này vừa giúp gia tăng tính minh bạch, vừa buộc các doanh nghiệp chú trọng hơn nữa việc nâng cao chất lượng đội ngũ đại lý, tư vấn viên của mình.
Theo các chuyên gia trong ngành, tỷ lệ duy trì hợp đồng nên là tiêu chí bắt buộc cho cả kênh ngân hàng và đại lý…
Vẫn băn khoăn về quy định “ cấm gắn kèm”
Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, dù hoạt động kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng vẫn đang được các doanh nghiệp này triển khai nhưng những quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng (có hiệu lực từ tháng 7/2024) bắt đầu tác động đến doanh thu phí bảo hiểm từ kênh này. Theo chia sẻ của một vài doanh nghiệp, doanh thu phí bảo hiểm qua ngân hàng trong tháng 7 đã giảm sút.
Được biết, Điều 15, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định về hành vi bị nghiêm cấm: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức”.
Các doanh nghiệp vẫn băn khoăn về quy định cấm “gắn kèm” là như thế nào. Chẳng hạn, khi khách hàng vay vốn, ngân hàng bán bảo hiểm cho khoản vay đó thì có gọi là bán kèm không và việc này có bị cấm không, những băn khoăn này vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.
Theo đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm, trước đây, giấy yêu cầu bảo hiểm thường được gắn trên hợp đồng tín dụng và là một bộ hồ sơ không tách rời, nhưng theo quy định mới, các doanh nghiệp bảo hiểm phải tách giấy yêu cầu bảo hiểm ra khỏi bộ hợp đồng vay vốn.
“Hai bộ hồ sơ dù không liên quan nhưng việc tham gia bảo hiểm lại liên quan tới khoản vay này. Về cơ bản, các sản phẩm bảo hiểm mà ngân hàng bán đương nhiên sẽ liên quan tới một dịch vụ nào đó của ngân hàng, nên quy định về hành vi nghiêm cấm như vậy rất khó cho các ngân hàng cũng như doanh nghiệp bảo hiểm”, vị này phản ánh.
Trước đó, một số công ty bảo hiểm phi nhân thọ đã có cuộc gặp gỡ với giới truyền thông để chia sẻ về những khó khăn mà các công ty này đang gặp phải khi cơ sở pháp lý hướng dẫn hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng tại Việt Nam chưa thực sự hoàn thiện. Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) chính thức được Quốc hội thông qua và có hiệu từ ngày 1/1/2023 đã bổ sung những quy định về hoạt động bancassurance dành cho doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng, nhưng Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 hiện chưa có các hướng dẫn đi kèm, tạo ra những cách hiểu khác nhau, khiến cho việc triển khai kênh phân phối sản phẩm này đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.