Liên đới nhiều đối tượng
Trong tổng số 3,8 tỷ đồng chiếm đoạt được, 2 bị can Khánh và Trang hưởng lợi hơn 1,6 tỷ đồng, Hà chiếm hơn 2,1 tỷ đồng. Nếu tính tổng số tiền dự kiến chiếm đoạt (nếu trót lọt) sẽ là hơn 20 tỷ đồng.
Theo bản cáo trạng của Viện Kiểm soát Quân sự Trung ương ngày 27/11/2023, các bị cáo gồm Vũ Thị Ngọc Hà (sinh ngày 27/10/1987 tại Hải Phòng; cấp bậc, chức vụ khi phạm tội là Đại úy, Trợ lý doanh trại, Ban Hậu cần, Viện Y học Hải quân, Quân chủng Hải quân); Nguyễn Văn Khánh (sinh ngày 1/1/1987 tại Hải Phòng, nhân viên kinh doanh Công ty Xây dựng Nikain); Phan Thị Trang (vợ Khánh, sinh ngày 20/8/1987 tại An Lão, Hải Phòng, nhân viên kế toán Công ty cổ phần Nông nghiệp và Thương mại quốc tế). Cả ba bị cáo đều bị Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điểm a, Khoản 4, Điều 174 – Bộ luật Hình sự.
Bị cáo còn lại là Lê Đức Phong sinh ngày 11/4/1990 tại Bình Lục, Hà Nam, nghề nghiệp là kinh doanh bảo hiểm của Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ, bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 174 – Bộ luật Hình sự.
Vụ án này nhận được chú ý đặc biệt trong hoạt động bảo hiểm tại Việt Nam vì liên quan đến nhiều đối tượng khác nhau, từ khách hàng và người thân, đại lý, nhân viên công ty bảo hiểm, công ty bảo hiểm… tới nhân viên y tế của các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh.
Cụ thể, có 16 công ty bảo hiểm liên quan đến việc các bị cáo Hà, Khánh tạo lập 27 hồ sơ yêu cầu bảo hiểm cho Khánh. Các bị hại gồm 5 công ty bảo hiểm là Prudential, Dai-ichi Life, Hanwha Life, Bảo Việt Nhân thọ và FWD. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm 9 công ty bảo hiểm là MVI Life, Bảo hiểm Bảo Việt, Cathay Life, Generali, Liberty, MB Ageas, Manulife, Bảo hiểm VietinBank và Sun Life.
Số luật sư bào chữa, số người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại cũng như đương sự đông đảo hơn so với các vụ án về bảo hiểm trước đây. Trong đó, 7 luật sư bào chữa gồm có ông Đỗ Đức Biên, ông Phạm Quốc Bảo, ông Ngô Anh Tuấn, bà Hà Mỹ Dạ Thơ, ông Văn Trường Chinh, ông Đỗ Hồng Sơn, ông Lưu Vũ Anh, bên cạnh 16 người làm chứng trong vụ xét xử này.
“Đây cũng là vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tính chất đặc biệt nghiêm trọng do các bị can vì động cơ vụ lợi cá nhân đã dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của công ty bảo hiểm, xâm phạm đến quan hệ sở hữu của cơ quan tổ chức; gây mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm”, cáo trạng nêu rõ.
“Án điểm”
Nguyên nhân dẫn đến các hành vi phạm tội, theo cáo trạng, là do các bị can chấp hành không nghiêm, lợi dụng sơ hở trong quá trình kinh doanh bảo hiểm của các công ty bảo hiểm, dùng thủ đoạn gian dối trục lợi. Chưa kể nhân viên công ty bảo hiểm, nhân viên y tế của bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh… chưa tuân thủ đầy đủ quy trình nghiệp vụ cũng là điều kiện để các bị can phạm tội.
Đây không phải là lần đầu tiên ngành bảo hiểm có một vụ án liên quan tới hình thức “trục lợi”, năm 2022 thậm chí còn xảy ra vụ án hình sự giết người, đốt xác để trục lợi bảo hiểm.
Qua những câu chuyện trục lợi, các công ty bảo hiểm ngoài việc nâng cao ý thức và quy trình kiểm soát bán hàng thì rất cần “làm nguội” áp lực chạy theo doanh thu, thị phần khiến rủi ro hoạt động tăng tương ứng.
Ở vụ án này, mức độ và phạm vi vụ việc có thể coi là “án điểm” trong ngành và kết quả xét xử trong tuần này cần thiết gióng thêm một hồi chuông cảnh báo các doanh nghiệp bảo hiểm trong công tác bán hàng.
Theo cáo trạng, ngày 6/9/2019, Nguyễn Văn Khánh đến khám bệnh tại Bệnh viện Quân y 108 và được chẩn đoán bị ung thư tuyến giáp thể nhú. Do muốn kiểm tra kỹ, Khánh ở lại bệnh viện để hôm sau khám lại, đồng thời thông báo bệnh tình cho vợ là Phan Thị Trang.
Sau đó, Trang liên lạc với Vũ Thị Ngọc Hà và được cựu đại úy này tư vấn là mua bảo hiểm cho Khánh để có tiền chữa bệnh và muốn vậy thì phải sửa thông tin cá nhân, bởi nếu công ty bảo hiểm phát hiện ra việc Khánh chuẩn đoán bị ung thư sẽ không bán bảo hiểm.
Sáng ngày 7/9/2019, Hà cùng Trang đến Bệnh viện Quân y 108 và cuối cùng được nhân viên tiếp đón và nhân viên tài chính của bệnh viện sửa thông tin đăng ký khám bệnh trên máy tính từ Nguyễn Văn Khánh sinh năm 1987, trở thành Nguyễn Văn Khanh sinh năm 1988.
Sau khi sửa thông tin, Hà cùng Trang và Khánh đã thống nhất mua bảo hiểm cho Khánh tại nhiều công ty. Trong đó, Hà hướng dẫn việc mua bảo hiểm tại Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Aviva Việt Nam (nay là Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ MVI – MVI Life), nơi Hà làm tư vấn viên. Với những công ty bảo hiểm khác, Hà đã liên hệ với tư vấn viên làm thủ tục và nộp phí mua bảo hiểm.
Từ ngày 17/9/2019 đến 19/2/2020, Khánh và Hà đã lập 27 hồ sơ yêu cầu bảo hiểm cho Khánh tại 16 công ty bảo hiểm. Có 19 hồ sơ yêu cầu được các công ty bảo hiểm chấp nhận phát hành 19 hợp đồng bảo hiểm.
Khi hành vi sai phạm bị phát hiện, có 7 hợp đồng được 5 công ty bảo hiểm chi trả bảo hiểm với số tiền hơn 3,8 tỷ đồng, cụ thể là Bảo Việt Nhân Thọ, Prudential, FWD, Hanwha Life và Dai-ichi Life. Trong tổng số 3,8 tỷ đồng chiếm đoạt được, 2 bị can Khánh và Trang hưởng lợi hơn 1,6 tỷ đồng, Hà chiếm hơn 2,1 tỷ đồng. Nếu tính tổng số tiền dự kiến chiếm đoạt (nếu trót lọt) sẽ là hơn 20 tỷ đồng.
Với hành vi sai phạm của Lê Đức Phong, theo cáo trạng, sau khi được Hà liên hệ, Phong đã cung cấp bản photo kết quả khám sức khỏe của Khánh để làm 15 hồ sơ yêu cầu bảo hiểm cho Khánh tại 10 công ty bảo hiểm là Prudential, Aviva, Dai-ichi Life, AIA, Bảo hiểm Bảo Việt, Cathay Life, Generali, Liberty, MB Ageas, Manulife và Sun Life. Trong đó, có 9 công ty bảo hiểm đã phát hành 11 hợp đồng bảo hiểm cho Khánh, 3 hồ sơ yêu cầu bảo hiểm bị AIA, Sun Life từ chối phát hành do Khánh không khám sức khỏe định kỳ, 1 hồ sơ yêu cầu bảo hiểm bị MB Ageas từ chối phát hành do kê khai sức khỏe không trung thực.