Theo số liệu thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp phi nhân thọ, kết thúc tháng 1/2024, doanh thu phí bảo hiểm toàn khối tăng gần 22% so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng số 32 doanh nghiệp phi nhân thọ đang hoạt động trên thị trường, có 26 doanh nghiệp ghi nhận doanh thu phí tăng trưởng dương, 6 doanh nghiệp còn lại tăng trưởng âm. Bảo hiểm Bưu điện (PTI) là cái tên duy nhất trong Top 5 doanh nghiệp có thị phần lớn nhất nằm trong nhóm tăng trưởng âm.
Về nghiệp vụ, bảo hiểm sức khỏe (bao gồm bảo hiểm tai nạn con người, bảo hiểm y tế và bảo hiểm chăm sóc sức khỏe) có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất tháng đầu năm 2024 với mức tăng 31% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm tỷ trọng cao nhất gần 34% trên tổng doanh thu. Bảo hiểm thiệt hại và tài sản vượt qua bảo hiểm xe cơ giới trở thành nghiệp vụ đóng góp lớn thứ hai vào tổng doanh thu phí với tỷ trọng 30% và cũng có mức tăng trưởng 2 con số. Trong khi đó, doanh thu phí nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới tăng thấp, chỉ khoảng 5% và tỷ trọng giảm về mức hơn 20% trong tổng doanh thu do doanh số xe bán ra giảm mạnh.
Bên cạnh tín hiệu khả quan về doanh thu, thị trường phi nhân thọ còn ghi nhận nhiều diễn biến đáng chú ý khác. Đơn cử, cuối tháng 2/2024, Bảo hiểm Hàng không (VNI) chính thức công bố Công ty TNHH Bảo hiểm DB (DBI) thuộc Tập đoàn DB Hàn Quốc là cổ đông chiến lược nước ngoài, sở hữu 75% vốn điều lệ của VNI.
Ngoài công bố cổ đông ngoại, VNI còn ký kết hợp tác chiến lược 3 bên gồm VNI, Global Care và FINA, hướng đến mục tiêu gia tăng chuỗi giá trị cho khách hàng mua sản phẩm của Tập đoàn Đất Xanh, bảo vệ ngôi nhà của cư dân trước các rủi ro cháy, nổ, trộm cướp…, bên cạnh những quyền lợi khác. Những “nguồn lực” mới này kỳ vọng sẽ giúp VNI nhanh chóng nâng cao vị thế, hướng đến mục tiêu Top 5 công ty bảo hiểm phi nhân thọ năm 2028.
Trong một diễn biến khác, Bảo hiểm Quân đội (MIC) và Vietnam Post cùng hợp tác trong hoạt động thu hộ phí bảo hiểm chương trình y tế bổ trợ của MIC dành cho khách hàng hiện hữu và tham gia mới thẻ bảo hiểm y tế từ thành phố đến các tuyến huyện, xã trên toàn quốc với các quyền lợi hỗ trợ chi phí y tế khi điều trị nội trú.
Theo đó, từ năm 2024, MIC và Vietnam Post sẽ tổ chức triển khai dịch vụ thu hộ phí bảo hiểm y tế bổ trợ trên toàn mạng lưới cung cấp dịch vụ cho người dân cả nước tại hơn 13.000 điểm phục vụ của Vietnam Post .
Theo các tổ chức quốc tế như Fitch Ratings, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hay Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2024 được dự báo sẽ cải thiện hơn năm 2023, với tăng trưởng GDP từ 5,8-6,3%, nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới.
Còn Manulife Investment Management (Việt Nam) đánh giá, động lực tăng trưởng kinh tế năm 2024 sẽ đến từ việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng của Chính phủ, gia tăng giải ngân nguồn vốn FDI và sự phục hồi rõ nét hơn của xuất khẩu sau giai đoạn khó khăn trước đó, giúp các ngành mũi nhọn tăng trưởng trở lại, từ đó cải thiện tình hình lao động, việc làm… cũng như phục hồi nhu cầu trong nước.
Nền kinh tế phục hồi là một trong những chỉ báo cho sự tăng trưởng trở lại của ngành bảo hiểm, nhất là khối phi nhân thọ với các sản phẩm bảo hiểm truyền thống như bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại, bảo hiểm hàng hóa vận chuyển hay bảo hiểm bảo lãnh và bảo hiểm tín dụng…
“Hiện còn quá sớm để khẳng định thị trường bảo hiểm nói chung, lĩnh vực phi nhân thọ nói riêng, sẽ bật dậy mạnh mẽ trong năm 2024. Tuy nhiên, những tín hiệu phục hồi kinh tế đã xuất hiện và vấn đề của các doanh nghiệp bảo hiểm là nắm bắt cơ hội của sự phục hồi này”, đại diện một công ty bảo hiểm nhìn nhận.