Bảo hiểm y tế tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), tính đến cuối tháng 6/2024, doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 39.056 tỷ đồng, tăng trưởng 11,9%. Bồi thường bảo hiểm ban đầu ước tính khoảng 11.002 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 28,2% (không bao gồm dự phòng bồi thường), thấp hơn tỷ lệ bồi thường bảo hiểm chính của cùng kỳ năm trước (32,2%).
Dẫn đầu mức đóng góp vào tổng doanh thu phí tiếp tục là bảo hiểm y tế (bao gồm bảo hiểm tai nạn cá nhân và bảo hiểm sức khỏe) với doanh thu 6 tháng năm 2024 đạt 13.618 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 34,9% và tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước.
Kế đến là bảo hiểm tài sản và thiệt hại với 11.214 tỷ đồng doanh thu, chiếm tỷ trọng 28,7% và tăng 10,8%, bao gồm doanh thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc (đạt 4.989 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 12,8% và tăng 26,8%); doanh thu bảo hiểm cháy, nổ tự nguyện (đạt 3.635 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,3% và giảm 13,7%); doanh thu bảo hiểm kỹ thuật (đạt 2.025 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 5,2%, tăng 18,4%); doanh thu bảo hiểm gián đoạn kinh doanh (đạt 563 tỷ đồng).
Bảo hiểm xe cơ giới với doanh thu đạt 8.931 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 22,9% tổng doanh thu toàn thị trường. Trong đó, doanh thu bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc (CCLI) của chủ xe cơ giới đạt 2.264 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 5,8% và tăng 2,9%; doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 6.667 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 17,1% và tăng 0,7%.
Doanh thu bảo hiểm hàng hải (bao gồm bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm trách nhiệm chủ tàu và bảo hiểm P&I) đạt 1.772 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,5% và tăng 9,1%. Doanh thu bảo hiểm vận tải hàng hóa đạt 1.585 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,1% và tăng 14,5%.
Các sản phẩm bảo hiểm khác gồm bảo hiểm trách nhiệm đạt doanh thu 947 tỷ đồng, tăng 7,7%; doanh thu bảo hiểm hàng không đạt 466 tỷ đồng, giảm 18,9%; doanh thu bảo hiểm rủi ro tín dụng và tài chính đạt 465 tỷ đồng, giảm 9,5%; doanh thu bảo hiểm nông nghiệp đạt 32 tỷ đồng, tăng 25,3% và doanh thu bảo hiểm bảo lãnh đạt 21 tỷ đồng, tăng 22,3%.
Là những nghiệp vụ mang lại doanh thu cao, song bảo hiểm như xe cơ giới hay bảo hiểm sức khỏe cũng là những nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cao. Cụ thể, bảo hiểm xe cơ giới có tỷ lệ này là 43,8%; bảo hiểm sức khỏe là 29,6%; bảo hiểm cháy, nổ tự nguyện là 35,1%… Theo IAV, có 21 doanh nghiệp bảo hiểm và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài trong tổng số 32 doanh nghiệp bảo hiểm thành viên có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc thấp hơn mức trung bình thị trường và 10 doanh nghiệp bảo hiểm còn lại có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cao hơn mức trung bình thị trường.
Bồi thường bảo hiểm xe cơ giới vẫn là “quả bom nổ chậm”, có thể cản trở mục tiêu kiểm soát chi phí bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, đặc biệt trong bối cảnh cuộc đua thúc đẩy tăng trưởng bảo hiểm xe cơ giới đang manh nha trở lại. Thực tế, bảo hiểm xe cơ giới vẫn là phân khúc béo bở, dễ mang lại doanh thu cho các hãng bảo hiểm đang cần mở rộng thị phần, song cũng luôn là nghiệp vụ được “điểm danh” trong nhóm những nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường cao nhất.
Năm 2023, doanh thu bảo hiểm xe cơ giới toàn thị trường ước đạt 17.754 tỷ đồng, giảm 1,9% so với năm 2022, nhưng tỷ lệ bồi thường lên tới 52,5%. Ngoại trừ năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên tỷ lệ bồi thường của cả thị trường giảm, từ năm 2021 tới nay, tỷ lệ bồi thường của nghiệp vụ này đều ở mức cao và có xu hướng tăng dần.
Theo các chuyên gia trong ngành, việc tìm kiếm lợi nhuận từ nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới là rất khó khăn. Ý thức người tham gia giao thông chưa cao, cơ sở hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện, mật độ xe lưu thông lớn và không ngừng tăng gây ra nhiều nguy cơ về an toàn giao thông. Bên cạnh đó, tình trạng trục lợi bảo hiểm vẫn diễn ra phổ biến khiến tỷ lệ bồi thường của nghiệp vụ này luôn ở mức cao. Mặc dù vậy, đây lại là nghiệp vụ bảo hiểm dễ triển khai và thường được các doanh nghiệp lựa chọn để thực hiện chiến lược mở rộng thị phần.
Điểm danh những cái tên lãi lớn
Bồi thường bảo hiểm xe cơ giới vẫn là “quả bom nổ chậm”, có thể cản trở mục tiêu kiểm soát chi phí bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
Số liệu từ Bảo hiểm PVI cho thấy, tổng doanh thu 6 đầu tháng năm 2024 đạt 12.016 tỷ đồng, tăng 65,7% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế đạt 502 tỷ đồng, tăng 42,6% và giữ vững vị trí số 1 thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam với tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận cao nhất. Doanh thu phí bảo hiểm gốc theo báo cáo tài chính hợp nhất nửa đầu năm 2024 đạt trên 7.000 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước và cao gấp đôi mức tăng trưởng bình quân chung của thị trường.
Doanh nghiệp bảo hiểm đang nắm giữ thị phần doanh thu thứ 2 là Bảo hiểm Bảo Việt với tổng doanh thu đạt 5.709 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm 2024, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 178 tỷ đồng, tăng 18,4%.
Bảo hiểm Bảo Minh (mã BMI) có thị phần thứ 3 với doanh thu 3.666 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng 16,08% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong nửa đầu năm 2024, Bảo hiểm Quân đội – MIC (mã MIG) ghi nhận doanh thu bảo hiểm gốc đạt 2.575 tỷ, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước; tổng lợi nhuận đạt 176,5 tỷ đồng, tăng 9,5%. Về thị phần, MIC hiện giữ vị trí thứ 4 thị trường.
Bảo hiểm BIDV – BIC (mã BIC) hiện là công ty bảo hiểm phi nhân thọ đứng thứ 5 về thị phần. Trong bối cảnh thị trường bảo hiểm phi nhân thọ còn nhiều khó khăn, tổng doanh thu phí bảo hiểm của BIC vẫn đạt gần 2.700 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng xấp xỉ 15% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt gần 2.600 tỷ đồng, tăng khoảng 15%. Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt gần 370 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 40%.
Tiếp đến là Bảo hiểm Petrolimex – PJICO (mã PGI) với tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 2.546 tỷ đồng, trong đó doanh thu bảo hiểm gốc ước đạt 2.154 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế ước đạt 190 tỷ đồng.
Bảo hiểm Bưu điện (mã PTI) kết thúc 6 tháng đầu năm 2024 đạt doanh thu trên 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 256 tỷ đồng. Một hãng bảo hiểm khác là Bảo hiểm VietinBank – VBI đạt 2.045 tỷ đồng tổng doanh thu phí 6 tháng đầu năm 2024, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Hãng bảo hiểm này tiếp tục có lãi trong quý II/2024, trong quý trước đó ghi nhận lợi nhuận trước thuế 98,7 tỷ đồng, tăng 18%.
Dù kết quả kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đều tăng trưởng trong nửa đầu năm 2024, nhưng lãnh đạo các doanh nghiệp vẫn khá dè dặt trong việc nhận định tình hình nửa cuối năm, đặc biệt là việc duy trì mức tăng trưởng 2 con số của cả khối trong năm nay.
Theo đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nhóm dẫn đầu, trong bối cảnh thị trường ô tô đang đối mặt với nhiều thách thức, động lực tăng trưởng của thị trường nhiều khả năng vẫn sẽ tới từ bảo hiểm tài sản và bảo hiểm con người – là 2 nghiệp vụ có đóng góp nhiều nhất vào tổng doanh thu phí bảo hiểm thị trường phi nhân thọ trong nửa đầu năm 2024.