Kinh doanh tài chính hiệu quả hơn kinh doanh bảo hiểm
2023 được coi là năm khó khăn của các doanh nghiệp bảo hiểm, nhất là khối nhân thọ, vì cuộc khủng hoảng niềm tin của người dân lan rộng. Trong khi đó, khối phi nhân thọ có phần “dễ thở” hơn và duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực.
Lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm đến từ hai nguồn chính: lợi thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm và lợi nhuận từ các khoản đầu tư tài chính.
Xét trên báo cáo tài chính năm 2023 (gồm cả soát xét và tự lập) của 13 doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết hiện nay, 6 doanh nghiệp có lợi nhuận từ kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng, 7 doanh nghiệp có lợi nhuận từ kinh doanh bảo hiểm suy giảm, thậm chí thua lỗ. Cụ thể, Tập đoàn Bảo Việt (mã chứng khoán BVH) lỗ 2.490 tỷ đồng (đây là doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ duy nhất trên sàn) và Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (mã chứng khoán BHI) lỗ 10 tỷ đồng.
Đối với lợi nhuận từ kinh doanh tài chính, 10/13 doanh nghiệp ghi nhận kết quả tích cực. Ấn tượng nhất từ khoản lợi nhuận này là Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (mã chứng khoán PTI), với mức tăng 104%, đạt 205 tỷ đồng; tiếp theo là Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (mã chứng khoán MIG) đạt 294 tỷ đồng, tăng 83%. Với Bảo Việt, dù lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm là số âm, nhưng lợi nhuận kinh doanh tài chính lại đạt 10.710 tỷ đồng, tăng 33%.
Nhìn chung, kết quả kinh doanh của khối bảo hiểm niêm yết trong năm 2023 vẫn là con số tích cực so với thị trường chung, mà theo các doanh nghiệp tự đánh giá, điều này đến từ lợi nhuận hoạt động đầu tư tài chính gia tăng.
Phân tích kỹ hơn hoạt động đầu tư tài chính, các doanh nghiệp bảo hiểm thường tập trung 70 – 80% vào tiền gửi – kênh đầu tư mang lại lợi nhuận lớn trong năm 2023 nhờ mức lãi suất cao giai đoạn cuối năm 2022, đầu năm 2023. Đặc biệt, với các công ty bảo hiểm có công ty mẹ là ngân hàng thì tỷ trọng tiền gửi chiếm đến hơn 80%. Ngoài ra, các doanh nghiệp mua trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp, đây đều là những khoản đầu tư có mức độ an toàn cao, luôn có lãi.
Trong khi đó, đối với kênh đầu tư chứng khoán, có 4 doanh nghiệp không tham gia đầu tư cổ phiếu trong năm 2023 bao gồm: Bảo hiểm Bưu điện, Bảo hiểm Quân đội, Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (mã chứng khoán ABI) và Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Hà Nội (mã chứng khoán PRE). Còn các doanh nghiệp có tham gia đầu tư cổ phiếu, hiệu quả thực tế có sự khác biệt trong từng doanh nghiệp, chủ yếu là kết quả chưa đạt như kỳ vọng.
Danh mục cổ phiếu: Phải trích lập dự phòng giảm giá
Cả 9 doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư cổ phiếu trong năm 2023 đều phải trích lập dự phòng giảm giá.
Theo thống kê từ Wichart.vn, cả 9 doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư cổ phiếu trong năm 2023 đều phải trích lập dự phòng giảm giá so với số vốn đầu tư ban đầu.
Bảo Việt là doanh nghiệp “mạnh tay” đầu tư cổ phiếu nhất, với giá trị 2.540 tỷ đồng, chiếm đến 77% tỷ trọng chứng khoán kinh doanh. Số còn lại, Bảo Việt rót vào trái phiếu và chứng chỉ quỹ. Chiếm phần lớn trong danh mục cổ phiếu là VNR với 266 tỷ đồng, CTG với 385,6 tỷ đồng, VNM với 415,5 tỷ đồng, các mã khác là 1.394 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bảo Việt đầu tư gần 79 tỷ đồng vào các doanh nghiệp chưa niêm yết bao gồm Tổng công ty MBLand, Công ty cổ phần Thuỷ sản Cà Mau và một số doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên, các khoản đầu tư cổ phiếu của Bảo Việt đến cuối năm 2023 ghi nhận mức giảm 205,3 tỷ đồng, tương ứng 8% số vốn ban đầu. Trong đó, giảm mạnh nhất là VNM với 18%, tiếp theo là CTG giảm 2,6%. Bên cạnh cổ phiếu, khoản đầu tư chứng chỉ quỹ của Bảo Việt ghi nhận giảm nhẹ, xuống gần 284 tỷ đồng. Tính chung, doanh nghiệp bảo hiểm này trích lập dự phòng 206 tỷ đồng cho khoản chứng khoán kinh doanh trong năm 2023.
Tại Công ty cổ phần PVI (mã chứng khoán PVI), danh mục đầu tư cổ phiếu được thoái gần hết trong năm qua khi giá trị giảm từ 1.419,6 tỷ đồng xuống 48,26 tỷ đồng. Trong hơn 48 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu tính đến cuối năm 2023, PVI không thuyết minh đối tượng đầu tư cụ thể, nhưng khoản đầu tư cổ phiếu tạm lỗ hơn 37 tỷ đồng, sau khi ghi nhận khoản dự phòng giảm giá chiếm đến 77% giá trị gốc.
Đối với Bảo hiểm Bảo Minh (Bảo Minh, mã chứng khoán BMI), tính đến cuối năm 2023 có gần 110 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu, tăng 11,5 tỷ đồng so với cuối quý II/2023. Song riêng khoản trích lập dự phòng gần 42,4 tỷ đồng đã làm giá trị đầu tư đến cuối năm chỉ còn 67,6 tỷ đồng.
Bảo Minh không thuyết minh cụ thể danh mục thời điểm cuối năm 2023, nhưng theo báo cáo nửa đầu năm, giá trị đầu tư cổ phiếu của Công ty là 98,5 tỷ đồng, với một số mã chiếm tỷ trọng lớn như NOS, TCB, VNM, TCO… Chính những khoản đầu tư này khiến Bảo Minh lỗ hơn 39 tỷ đồng tính theo giá trị trích lập dự phòng cuối quý II/2023, riêng NOS chiếm đến 46% khoản dự phòng.
Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (mã chứng khoán BIC) có khoản mục chứng khoán kinh doanh lên đến 432,6 tỷ đồng vào cuối năm 2023, tăng 58% và khoản dự phòng giảm giá là xấp xỉ 26 tỷ đồng, chiếm 6% giá trị ban đầu.
Bảo hiểm Bảo Long (mã chứng khoán BLI), Bảo hiểm Petrolimex (mã chứng khoán PGI), Bảo hiểm Hàng không (mã chứng khoán AIC), Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội và Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (mã chứng khoán VNR) cũng đang phải trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư cổ phiếu, từ vài phần trăm đến vài chục phần trăm.
Nhìn tổng thể, quy mô đầu tư cổ phiếu của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ chiếm tỷ trọng rất thấp trong cơ cấu danh mục đầu tư tài chính, bởi tiền phần lớn đã được phân bổ cho kênh tiền gửi ngân hàng và trái phiếu. Do đó, mức tạm lỗ sau trích lập dự phòng cũng không ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Thay vào đó, lượng tiền gửi lớn trong điều kiện lãi suất đang ở mức thấp (thấp hơn mặt bằng thời dịch Covid-19) là điều khiến các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lo lắng, vì lãi suất hạ sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận tài chính năm 2024.
Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nước ngoài chưa công bố báo cáo tài chính năm 2023, nhưng báo cáo bán niên cho thấy, tỷ trọng đầu tư dành cho cổ phiếu của nhóm này thường cao hơn các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước. Chẳng hạn, trong 6 tháng đầu năm 2023, cổ phiếu chiếm xấp xỉ 43% danh mục đầu tư tài chính ngắn hạn của Manulife Việt Nam; tỷ lệ này là 44% đối với Prudential Việt Nam, 15% đối với Dai-ichi Việt Nam. Các doanh nghiệp này cũng phải trích lập dự phòng giảm giá cho các khoản đầu tư cổ phiếu.